Trăng tròn gói trọn yêu thương

Đăng bởi Android Vietnam | 29-09-2023

Ai nói Hà Nội chỉ có mùa đông và mùa hè là người ta nhầm hẳn. Hà Nội có thể chỉ lớt phớt chút mùa xuân những ngày ra Giêng, nhưng cái tiết thu dễ chịu thì kéo dài từ quãng đầu tháng 9 đến giữa tháng 11.

Hà Nội lúc này đã hết những đợt nắng nóng kéo dài hay những trưa hè bước ra đường thôi cũng thấy hầm hập. Thời tiết nhẹ nhàng, trong veo, tối ập xuống sẽ hơi lạnh. Trời vừa hửng nắng khi sáng sớm, đến trưa lại có thể mưa ào một cái như trút hết cái oi oi xuống mặt đất. Đi ra đường không phải lo che chắn nhiều như tầm giữa tháng 6, tháng 7 nữa, vậy nên tâm trạng cũng phấn chấn hơn.

Nhiều người yêu mùa thu chỉ đơn giản là vì thứ tiết trời nhẹ nhàng, vui vẻ ấy thôi. Người lại nhớ đôi ba món quà vặt của mùa thu, nào hồng, nào cốm. Nhưng Hà Nội vào thu, khi mà phố Hàng Mã bắt đầu lập lòe màu đỏ đèn lồng, hay những tiếng trống kêu cạch cạch khó chịu bắt đầu nhiều dần, thì cũng là lúc người ta nhìn nhau nói: Lại một mùa Trung thu… 

Có lẽ, ngoài Tết ra thì chỉ có Trung thu mới khiến người ta có nhiều cảm xúc nhớ thương, hoài niệm về một thời tuổi thơ như thế. Chỉ khác một điều, Tết gợi về nỗi nhớ thương đoàn viên, về gia đình, về những cột mốc trong cuộc đời mỗi người. Còn Trung thu lại gợi nhắc một cái gì đấy đứng chênh vênh giữa lằn ranh của niềm vui nhẹ nhàng và sự tiếc nuối. Một cảm giác vừa hân hoan khi biết rằng một phần đẹp đẽ của tuổi thơ vẫn hiển hiện, và một rung động trầm buồn nhắc ta rằng cả một ấu thơ đã lùi xa, êm ả và chẳng bao giờ có thể quay lại được nữa.


Trung thu bây giờ, chẳng còn là ngày chúng ta mong ngóng trăng tròn, bày mâm bánh kẹo trước hiên nhà phá cỗ. Cũng chẳng còn là ngày lễ rước đèn với những ánh sáng xanh đỏ lấp lánh, háo hức chờ đợi tiếng trống múa lân đi qua để nhập đoàn. Trung thu chỉ là một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác. Thậm chí, ngày Trung thu sếp vẫn giao việc, phải tăng ca và deadline thì vẫn ngang mặt. 

Bước sang thập niên mới, với những thay đổi chóng mặt, mọi thứ giờ đây khác xưa nhiều lắm mà ngày lễ Trung thu cũng vậy. Trung thu dường như chỉ là dịp để lên Facebook đăng vài tấm ảnh tâm trạng, ôn lại đôi ba kỷ niệm ngày bé, rủ vài đứa bạn đi nhậu cho qua ngày. Những chiếc bánh Trung thu cũng không còn là của quý để phải tranh giành như xưa nữa. Bánh Trung thu ngày nay cũng sang-xịn-mịn với đủ loại biến tấu từ nhân bào ngư vi cá đến dát vàng với những thiết kế lót nhung cầu kỳ, để phục vụ mục đích “ngoại giao”, gắn kết quan hệ hơn là thưởng thức chiếc bánh cổ truyền mộc mạc.

 



Chắc chỉ duy nhất có Tết Trung thu là cái Tết có thể biến đám người lớn trở thành lũ trẻ con, dù chỉ bằng những ký ức của những ngày đã cũ.. 

Nhớ về Trung thu, là nhớ về cái tâm trạng háo hức suốt cả một tuần trời chỉ để chờ đến đêm phá cỗ. Là bánh nướng, bánh dẻo, là rước đèn ông sao, là mặt nạ, là chạy theo đoàn múa lân “xông pha” gõ cửa từng nhà một. Là một mâm cỗ to ụ được các bác Tổ trưởng bày giữa Nhà văn hóa với đầy đủ con chó lông bưởi, bánh kẹo, bỏng và đồ chơi. Là một đám nhỏ mỗi năm là có thêm những gương mặt mới, vẻ mặt hau háu lăm le nhìn nhau sẵn sàng cho một cuộc chiến “tranh cỗ”…. 

Có lẽ, ngoài Tết ra thì chỉ có Trung thu mới khiến người ta có nhiều cảm xúc nhớ thương, hoài niệm về một thời tuổi thơ như thế. Chỉ khác một điều, Tết gợi về nỗi nhớ thương đoàn viên, về gia đình, về những cột mốc trong cuộc đời mỗi người. Còn Trung thu lại gợi nhắc một cái gì đấy đứng chênh vênh giữa lằn ranh của niềm vui nhẹ nhàng và sự tiếc nuối. Một cảm giác vừa hân hoan khi biết rằng một phần đẹp đẽ của tuổi thơ vẫn hiển hiện, và một rung động trầm buồn nhắc ta rằng cả một ấu thơ đã lùi xa, êm ả và chẳng bao giờ có thể quay lại được nữa…

Trung thu là dịp để đoàn tụ, một ngày ấm áp và hạnh phúc năm nào cũng đều đặn diễn ra. Dù cho bao điều thay đổi thì tết Trung thu năm cũ và ngày nay vẫn thế, có chăng chỉ là con người thay đổi.
Đoàn viên nào chỉ là của gia đình. Mỗi mùa Trung Thu, bánh theo tay người đến tay người, theo tình người đến tình người.
Đoàn viên cũng chẳng phải chuyện của riêng người lớn. Nhắc đến bánh Trung Thu, người ta nhớ đến những đêm “đoàn viên” của thiếu nhi. Tôi của ngày bé đếm từng ngày đến đêm phá cỗ, để được tập trung ở sân ủy ban phường, điểm mặt đủ các “anh tài” phá phách bậc nhất khu xóm nhỏ. Mà vui hơn nữa, là cái khoảnh khắc khi mẹ hạ chiếc bánh từ trên ban thờ xuống, dặn tôi mang ra sân cho các bạn ăn cùng. Sau này, tôi cũng dặn con mình như thế. Rằng bánh sẽ ngon hơn khi con ăn cùng các bạn, vừa ăn vừa cầm đèn ông sao hát “Tùng dinh dinh! Tùng tùng tùng dinh dinh!…” Những miếng bánh truyền tay ngon đến lạ kỳ trong đêm trăng. Mấy đứa bé ngồi bên nhau, hí hửng ngắm đoàn múa lân, cười vang đến mấy mùa trăng sau cũng chưa hết vui. Và chúng nó sẽ nhớ về những miếng bánh kia, như một phần tuổi thơ, bên cạnh đèn lồng, chị Hằng, chú Cuội.